Một trong những chính sách chủ chốt là làm sao nâng cao được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Hệ thống tài chính của nền kinh tế Việt Nam còn dựa nhiều vào ngân hàng. Gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) quan tâm hơn đến SMEs, coi SMEs là đối tác quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vì thế mà tỷ trọng các khoản cho SMEs vay đã tăng lên đáng kể tại nhiều NHTM.
Theo báo cáo của World Bank, chỉ số tiếp cận tín dụng năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 29 trên tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc, và là chỉ số thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong báo cáo. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng vị trí 68/190 nước và khu vực.
Kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng, cả xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam là tích cực. Tuy nhiên, nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn không ít vấn đề cần có chính sách sát đúng và kịp thời để SMEs không gặp khó khi muốn vay vốn ngân hàng.
Thứ nhất, tiếp cận tín dụng đạt 75 điểm là khá tốt, song vẫn còn xa so với chuẩn 100 và thua nhiều tiêu chí, như độ phủ thông tin tín dụng của các cơ quan chính thức chỉ đạt 19,7%, thấp hơn mức trung bình khu vực Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Đông Á - Thái Bình Dương, thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), năm 2015, xét theo những chỉ số chính sách đối với SMEs, bao gồm thể chế, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, những điều tiết thuận lợi cho khởi nghiệp và SMEs, tiếp cận tài chính, công nghệ và chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy giáo dục kinh doanh, trong đó riêng tiếp cận tài chính của SMEs, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí trung bình trong ASEAN. Như vậy, cả dư địa cải thiện lẫn đòi hỏi nỗ lực chính sách đều rất lớn.
Thứ hai, báo cáo của World Bank dùng 4 chỉ tiêu đo lường 2 loại hình thể chế và hệ thống tạo thuận lợi cho tiếp cận và cải thiện phân bổ tài chính: Quyền pháp lý của người vay và người cho vay trong giao dịch đảm bảo và luật phá sản và mức độ bao phủ, phạm vị và số lượng thông tin tín dụng có được thông qua các cơ sở đăng ký, cơ quan. Chỉ số tiếp cận tín dụng nêu trên là nền tảng song chưa đầy đủ khi nhìn vào rào cản "cố hữu" trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Vietcombank năm 2016 cho thấy nhiều trở ngại đối với SMEs trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, bao gồm không có tài sản thế chấp, chuẩn mực kế toán thấp, chi phí thu nhập thông tin và hành chính cao, dự án đầu tư kinh doanh không khả thi. Ngoài ra, định mức tín nhiệm và bảo lãnh cũng rất có ý nghĩa đối với việc tiếp cận tín dụng của khu vực SMEs.
Đã có nhiều vấn đề được tăng cường xử lý và cải thiện, nhưng hiện tỷ lệ SMEs coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất vẫn cao (trên 20%) cao hơn nhiều so với ở Malaysia (0,9%), Thái Lan (4,9%), Indonesia (6,3%). Một nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra nguyên nhân lớn nhất doanh nghiệp đã từng bị NHTM từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần là vì tài sản thế chấp không đủ điều kiện.
Cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là đất, nhà (38,5%), máy móc, thiết bị (26,5%). Chi phí lót tay, quà tặng, chi trả lãi cao cũng là rào cản tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, nhất là SMEs. Quá trình xử lý hồ sơ vay vẫn có sự phân biệt đối xử giữa SMEs và doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, giảm thiểu, xóa bỏ rào cản là cần thiết song chưa đủ. Cần cả thích ứng và bắt kịp xu thế mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách nhìn về tiếp cận tài chính, tiếp cận tín dụng cũng vậy. Việt Nam đang rất cần tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên tăng năng suất lao động. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực cho công cuộc đó.
Những vấn đề nêu trên cần có cách tiếp cận rộng hơn nhiều và gợi mở không ít chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và cả sức bật của SMEs cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cũng rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, nhất là SMEs, NHTM cùng các định chế tài chính khác cũng như các hiệp hội ngành nghề. Một khu vực kinh tế tư nhân năng động, cạnh tranh, sáng tạo, trong đó không thể không nói tới vai trò to lớn SMEs là bảo đảm vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.
VÕ TRÍ THÀNH
Doanh nhân sài gòn online
(*) Tác giả là Nguyên Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương