Nhà đầu tư này đánh giá ở thời điểm hiện tại, đa phần năng lực các startup Việt Nam vẫn yếu trong khâu tìm kiếm , đánh giá thông tin của quỹ đầu tư nên mất thời gian tiếp cận nhưng kết quả không như mong đợi.
Giai đoạn gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng được đẩy lên mạnh mẽ với nhiều startup mới ra đời, nhiều ý tưởng độc đáo mang hoài bão vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt hơn, thay vì chỉ vay mượn tiền từ gia đình bạn bè như trước đây, nhiều startup đã biết tìm đến các nhà đầu tư và quỹ đầu tư để gọi vốn.
Tự nhận mình là một nhà đầu tư thiên thần, T.S Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn, đào tạo và đầu tư phát triển HTL, cho biết đến nay, anh đã tham gia đồng hành cùng 4 startup, trải dài trên các lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao đến thương mại đi kèm ứng dụng blockchain.
Vì là nhà đầu tư thiên thần nên anh sẽ tham gia vào giai đoạn đầu, khi startup mới khởi sự và đang tập trung hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ để tung ra thị trường. Khoản đầu tư trong giai đoạn này rơi vào khoảng vài chục nghìn USD, tương đương với tỷ lệ cổ phần trong khoảng 5-10%.
T.S Hùng cho biết bên cạnh phần vốn góp, nhà đầu tư thiên thần cũng giống như các "bà đỡ", hỗ trợ startup trong vấn đề tài quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp trước khi startup tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm.
"Các quỹ đầu tư mạo hiểm thích những doanh nghiệp có nền tảng tốt, nhưng đa phần startup chỉ tập trung vào sản phẩm dịch vụ, câu chuyện làm sao để tiếp tục tồn tại mà không có thế mạnh hoặc không có thời gian tập trung vào các việc còn lại. Tôi sẽ tham gia cố vấn cho họ, giúp họ xây dựng hệ thống và đôi khi là dựa trên các mối quan hệ cá nhân để kết nối startup với quỹ đầu tư phù hợp".
T.S Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn, đào tạo và đầu tư phát triển HTL
Cũng theo anh, hiện nay, để startup tiếp cận các quỹ đầu tư lớn chuyên nghiệp thường không dễ và tỷ lệ tiếp cận nhưng thất bại cũng khá cao. Một phần nguyên nhân là do startup chưa hiểu rõ khẩu vị đầu tư khác nhau của các quỹ.
"Năng lực tìm kiếm, đánh giá thông tin về các quỹ đầu tư của nhiều startup còn khá yếu. Mỗi quỹ có khẩu vị, triết lý đầu tư khác nhau trong khi nhiều startup chủ quan không tìm hiểu kỹ, dẫn tới mất thời gian tiếp cận với những quỹ không phù hợp".
"Giống như trong tình yêu, startup cần biết nên yêu người thế nào và khẩu vị của họ có hợp với mình không," anh Hùng ví von. "Đa phần các startup thường xem nhẹ việc này nên khi tiếp cận quỹ đầu tư kết quả không như họ mong muốn và quỹ đầu tư có thể không thật sự thích những gì startup đang có".
Tuy nhiên anh khá lạc quan khi cho rằng với sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức trung gian và chất lượng startup ngày càng nâng cao, cơ hội để startup tiếp cận các quỹ cũng như các nhà đầu tư thiên thần sẽ ngày càng nâng cao. Vấn đề là các startup cần có founder đủ đam mê tâm huyết, ham học hỏi và xây dựng sản phẩm có khả năng đột phá trong tương lai.
"Bởi vì đầu tư vào startup bản chất là đầu tư vào con người", T.S Hùng kết luận.